Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017
Sự phát triển của công nghệ số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Với công nghệ số, các ngân hàng đã mở rộng cơ sở khách hàng, vươn tới những phân khúc chưng từng tiếp cận, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phát triển. Giới chuyên môn đánh giá, sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngân hàng số (digital banking) hay các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang là biểu hiện sinh động cho sự phát triển của công nghệ số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Cơ chế quản lý phù hợp
Hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp FinTech hiện nay đều vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý và quản lý của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính điều này đang tạo ra một rào cản to lớn cho việc gia nhập thị trường và sự tồn tại của các doanh nghiệp FinTech, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo FinTech, nhận định.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của họ. Cụ thể là từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Bên cạnh những loại hình FinTech trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep...), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Trust Circle), chuyển tiền (Remit.vn), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (BankGo, Moneylover, Mobivi...), cầm đồ online (F88)...
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các thành viên đến từ các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất tới Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, cơ chế quản lý phù hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FinTech ở Việt Nam phát triển; đồng thời, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển lĩnh vực FinTech tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét