Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Ngân hàng tăng cho vay, tiền có đổ vào bất động sản?

 Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước chấp thuận cho một số NH được nới hạn mức (room) tín dụng, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại dòng tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản và chứng khoán, gây nguy cơ nợ xấu và áp lực lạm phát.

Việc nới room được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5% để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được mức tăng như định hướng, những tháng cuối năm sẽ phải cung ra thị trường 700.000 tỉ đồng, mức khá cao so với những năm gần đây.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhóm Ngân hàng thương mại gốc nhà nước được nới room lên mức khoảng 18%. Chẳng hạn, Vietcombank và VietinBank cùng được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 16% lên 18%. Trong khi đó, một số Ngân hàng cổ phần như SCB, ACB... được tăng room tín dụng lên 20%.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Phó tổng giám đốc Vietcombank, dù cho tăng hạn mức tín dụng nhưng NH Nhà nước yêu cầu các NH tập trung vốn cho một số lĩnh vực ưu tiên. Riêng những lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán..., các Ngân hàng phải giám sát chặt chẽ nguồn vốn.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cũng cho rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi nới room cho các ngân hàng là tăng tín dụng có kiểm soát. Do vậy, hạn mức tín dụng được nới không nhiều. Như SCB đầu năm được cho phép tăng tín dụng với tỉ lệ 14%, giờ đã thực hiện gần hết room và được nới lên 20%, tăng 6% so với mức đầu năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số Ngân hàng, đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại.

Nếu Ngân hàng nào đã sử dụng hết hạn mức được cấp, tăng tín dụng an toàn và hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp thêm hạn mức. "Khi cấp thêm hạn mức, Ngân hàng Nhà nước đồng thời cảnh báo các Ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tránh phát sinh thêm nợ xấu mới, không tập trung vốn vào bất động sản" - tổng giám đốc một Ngân hàng cho biết.
Theo một số Ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng ở mức hạn chế, rồi nới dần về những tháng cuối năm cũng là phương án quản lý tốt, nhằm định hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn và hiệu quả, tránh việc chạy quá trớn sau đó "thắng không kịp" như đã từng xảy ra.

Chẳng hạn, năm 2016 từng xảy ra tình trạng nhiều Ngân hàng dừng giải ngân vào tháng cuối năm do hết hạn mức, sau đó tín dụng được "bung" khá mạnh trong những tháng đầu năm 2017.

"Đây là lý do mới chỉ 7- 8 tháng nhưng nhiều Ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức cho vay vốn được giao trong năm 2017, phải xin Ngân hàng Nhà nước cho nới room để có thể cho vay trong những tháng cuối năm" - một lãnh đạo Ngân hàng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét